Thứ Năm , 23 Tháng Một 2025
Trang Chủ / Du Lịch 5 Châu / Những điểm đến cầu may đầu năm mới quanh Hà Nội

Những điểm đến cầu may đầu năm mới quanh Hà Nội

Mỗi dịp Tết đến, người dân thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đều có nhu cầu tới các địa điểm du lịch tâm linh để cầu năm mới thuận lợi, bình an.

Cách Hà Nội chưa tới 100 km, chùa Hương, chùa Bái Đính hoặc đền Hùng là địa điểm lý tưởng cho người dân tới tham quan và trẩy hội đầu năm.

Đền Gióng

Theo sự tích Thánh Gióng, đền Gióng chính là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời. Nằm tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, đền Gióng gồm nhiều công trình khác nhau như đền Trình, đền Mẫu, chùa Non Nước, chùa Đại Bi…

le-hoi-den-giong
Lễ hội đền Gióng tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội diễn ra từ ngày 6 -8/1 Âm lịch hàng năm. Ảnh: Chí Toàn.

Hội Gióng là một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm ở nhiều nơi thuộc Hà Nội, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2011. Đền Gióng là địa điểm chính của Hội Gióng hàng năm (cùng với lễ hội tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm). Lễ hội khai mạc từ ngày 6/1 âm lịch và kéo dài ba ngày.

Chùa Hương

Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, là một quần thể văn hóa – tôn giáo rộng lớn với nhiều đền, chùa khác nhau, nằm giữa không gian thiên nhiên thơ mộng của suối Yến, động Hương Tích….

le-hoi-chua-huong
Lễ hội chùa Hương luôn thu hút đông đảo người dân từ mọi miền đất nước. Ảnh: Việt Hùng.

Địa điểm này đã trở nên quen thuộc với người dân khu vực miền Bắc nói riêng và người dân cả nước nói chung. Lễ hội chùa Hương diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan, hòa mình vào không khí du xuân rộn ràng và cầu mong năm mới an khang, thịnh vượng.

Chùa Tây Phương và chùa Thầy

Chùa Tây Phương và chùa Thầy chỉ cách nhau khoảng 5 km, vì vậy du khách có thể kết hợp tham quan cả hai kiến trúc Phật giáo này. Mặc dù ngày hội của hai chùa được tổ chức vào tháng 3 Âm lịch, khách tham quan vẫn có thể tới và cầu may trong những ngày đầu năm mới.

Chùa Tây Phương tọa lạc tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội, nổi tiếng với 18 pho tượng La Hán cổ kính, mỗi pho tượng mang một sắc thái riêng.

Nằm tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, chùa Thầy không những sở hữu phong cảnh hữu tình mà còn là một ngôi chùa linh thiêng, có bề dày lịch sử, văn hóa và nhiều truyền thuyết liên quan tới nhà sư Từ Đạo Hạnh. Đặc biệt, những khách du lịch có cơ hội tới hội chùa Thầy vào ngày diễn ra hội sẽ được chiêm ngưỡng những màn múa rối nước đặc sắc, mang đậm nét dân gian.

Đền Hùng

Câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba” đã in sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Vì vậy, việc tới đền Hùng vào đầu năm thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời hướng về một năm mới may mắn và thuận lợi.

gio-to-hung-vuong
Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước. Ảnh: Hoàng Hà – Lê Hiếu.

Bên cạnh việc dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng, lễ hội còn nhiều hoạt động sôi nổi khác như thi nấu bánh chưng, giã bánh dày, hội hát xoan, …

Bắc Ninh

Bắc Ninh nổi tiếng với những nét văn hóa dân gian là một điểm đến phù hợp trong dịp tết cổ truyền của dân tộc.

Từ khoảng giữa tháng 1 âm lịch, nhiều lễ hội đặc sắc sẽ được khai mạc như hội Lim (từ ngày 12-14/1 Âm lịch) với nhiều hoạt động độc đáo như hát quan họ trên thuyền, đấu vật, chơi cờ người, thi nấu cơm…, hoặc lễ hội Bà chúa Kho (từ ngày 14 đến hết tháng 1 Âm lịch) với phong tục xin lộc đầu năm để tài chính suôn sẻ, cuối năm tới trả lễ.

Ngoài ra, du khách có thể chọn tham quan một số ngôi chùa nổi tiếng tại Bắc Ninh như chùa Bút Tháp, chùa Dâu…

Nam Định

Chợ Viềng diễn ra vào ngày 8/1 Âm lịch hàng năm tại huyện Vụ Bản và huyện Nam Trực, Nam Định, là một nét văn hóa độc đáo. Sản phẩm chủ yếu tại phiên chợ là cây cối, vật nuôi và nông cụ. Theo quan niệm, đây là phiên chợ cầu may, cả người mua và người bán đều tham gia với mong muốn tấn tài tấn lộc.

cho-vieng
Cây cối là mặt hàng phổ biến nhất tại chợ Viềng. Ảnh: Lê Hiếu.

Nhưng người tham gia phiên chợ tại huyện Vụ Bản có thể tới tham quan Phủ Dầy, nơi thờ bà chúa Liễu Hạnh – một trong những vị thần quan trọng của tín ngưỡng Việt Nam. Hội Phủ Dày tổ chức vào tháng 3 Âm lịch hàng năm.

Bên cạnh đó, lễ khai ấn đền Trần tại TP Nam Định khai mạc đêm 14/1 Âm lịch cũng thu hút đông đảo người dân tới tham dự. Ý nghĩa của ngày lễ là cầu mong đất nước thái bình, thịnh vượng, người dân khỏe mạnh, học tập và công tác tốt.

Ninh Bình

Có thể coi Ninh Bình là một điểm du lịch lý tưởng cho dịp Tết Nguyên Đán. Du khách vừa có cơ hội tới tham quan chùa Bái Đính, ngôi chùa sở có Phật Thích Ca bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, cầu năm mới tốt lành, vừa có cơ hội lắng mình giữa không gian yên tĩnh, thanh bình của sông nước Tràng An.

trang-an
Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Ảnh: Mạnh Thắng – Hoàng Anh.

Bên cạnh đó, khu di tích cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động hay rừng quốc gia Cúc Phương cũng là những lựa chọn tuyệt vời cho khách du lịch tới và khám phá.

Núi Yên Tử

Lễ hội Yên Tử diễn ra tại xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 10/1 đến hết tháng 3 Âm lịch. Yên Tử có cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, là nơi hình thành thiền phái Trúc Lâm, sở hữu nhiều di tích, công trình đặc sắc như chùa Đồng, chùa Hoa Yên, cụm tháp Hòn Ngọc, chùa Một Mái…

Các hoạt động chủ yếu trong lễ hội là bái Tổ Trúc Lâm, dâng hương cúng Phật, múa lân, trò chơi dân gian…

nguồn zing.vn