Ở các lề đường, các quán chè thường đông đúc, được sư quan tâm của các bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên, những món chè ngày nay ăn rất ngon, rất đa dạng và muôn màu…
Sài Gòn những ngày hè oi bức, tôi lại nhớ đến món chè thập cẩm của mẹ. Món chè mà mỗi khi sắp về quê tôi lại gọi điện mè nheo: “Mẹ ơi, nấu nồi chè cho con nhé”. Với tôi đây là món ăn vặt “thần thánh” mà không thể tìm được ở bất cứ nơi nào. Dù Sài Gòn vẫn có nhiều loại chè ngon, nhưng cái mùi vị rất riêng của món chè mẹ nấu vẫn không thể sánh được.
Có nhiều người vẫn gọi đây là món chè kho, nhưng với tôi chè mẹ nấu chỉ có 2 loại đậu là đâu đỏ và đậu trắng. Một số nơi bán ở còn thêm một ít chè bắp hay đậu xanh vào thành món chè thập cẩm. Hai loại đậu này sau khi được luộc chín (phải thật mềm nhưng không được nát hạt đậu), chao qua nước lạnh rất nhiều lần và để ráo. Đường bát hay còn gọi đường đen chặt cục nhỏ và cho nước lạnh vào để thắng đường. Đây là khâu kỳ công nhất: nồi đường phải được riêu lửa nhỏ và người nấu phải đứng canh để vớt từng lớp bọt đường cho sạch đến khi nước đường thật trong. Xong cho đậu vào nồi đường và bắt đầu hầm lửa nhỏ khoảng 1 tiếng đồng hồ cho nước đường và đậu quyện vào nhau. Quậy một ít bột năng với nước lạnh cho vào để tạo độ sánh của chè. Và cứ thể người nấu cứ đứng quậy nồi chè bằng một cây đũa lớn trong vòng 20 phút để nước đường đặc kẹo lại mà không cháy. Đường càng chín tới thì nồi chè có thể giữ được lâu.
Những ngày trời oi bức, nấu nồi chè cho xong là cả một cực hình vì ngày xưa làm gì có bếp ga, bếp điện nên mẹ hay nấu bằng trấu. Nhìn những giọt mồ hôi túa ra trên trán mẹ mỗi khi nấu chè, đứng canh lửa bên lò trấu nóng hừng hực mà thương lắm. Nhớ những ngày mùa mưa dầm dề ở miền Trung, chè bán không hết, vậy là cả nhà đôi lúc phải ăn chè thay cơm. Lúc mưa gió thì làm gì có đá để ăn nên cứ thế mà ăn món chè đặc ngọt đến đắng cổ, ngon nhưng nghèn nghẹn… về một thời gian khó của tuổi thơ. Ăn món chè của mẹ không thể thiếu nước cốt dừa, dừa tươi bào mỏng, đậu phộng giã, dừa rang, dầu chuối… trộn chung với đá đập nhỏ sẽ vô cùng đặc biệt. Điều ấn tượng hơn nữa là chè mẹ nấu để càng lâu càng ngon đậm đà, vì khi mẹ hâm lại nồi chè thì nước đường keo lại sẽ thơm và ngon hơn.